Trang chủ Blog Chống Nắng Mặt phồng rộp, chi chít mụn vì... kem chống nắng

Mặt phồng rộp, chi chít mụn vì... kem chống nắng

Cập nhật: 11:41, 17/05/2014
Mục lục bài viết [Ẩn]
    hehehehe

Cô nữ sinh H. đi khám trong tình trạng toàn bộ vùng mặt, cổ, 2 cánh tay nổi từng đám mụn nước phồng rộp, nhiều chỗ mụn đã bọc mủ hoặc vỡ ra, đỏ loét.

Mới vào đầu mùa hè nhưng các bệnh viện da liễu ở Hà Nội đã ghi nhận không ít ca bị dị ứng do dùng kem chống nắng. Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyến cáo, mỗi loại kem chống nắng có một tính năng riêng, phù hợp với từng đối tượng và từng vùng da khác nhau trên cơ thể. Hầu hết người sử dụng kem chống nắng đều mua theo mách bảo của bạn bè hoặc nhìn sản phẩm thấy thích thì mua mà không quan tâm đến sản phẩm đó có thích hợp với cơ thể mình hay không.

Dùng theo phong trào

Tại phòng khám của Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ Thành cho biết mùa hè nào, ông cũng tiếp nhận các ca bệnh đến khám do dị ứng kem chống nắng. Có trường hợp sau khi sử dụng lần đầu tiên, bị dị ứng, nổi mẩn hoặc ngứa vùng bôi kem, đã đến ngay bệnh viện để khám. Nhưng cũng có những trường hợp sau khi bị dị ứng kem chống nắng, lại nghe lời khuyên của bạn bè hoặc tự mua thuốc để điều trị. Hậu quả là làn da vốn đang bị tổn thương nay lại phải gánh thêm những hậu quả khác do việc dùng thuốc bừa bãi, không đúng chỉ định. Như trường hợp sinh viên Hoàng Ngọc H., 19 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội. H. đến khám trong tình trạng toàn bộ vùng mặt, cổ, 2 cánh tay nổi từng đám mụn nước phồng rộp, nhiều chỗ mụn đã bọc mủ hoặc vỡ ra, đỏ loét. H. kể, thấy mấy bạn cùng phòng ở ký túc xá sử dụng kem chống nắng, nên cũng ra tiệm mỹ phẩm gần trường mua một tuyp kem chống nắng. Mới bôi được 2 lần, H. thấy mặt, cổ, tay mình ngứa râm ran. Nghe bạn bè nói đó là phản ứng bình thường do mới sử dụng kem, chỉ cần bôi thêm thuốc chống dị ứng là khỏi, H. tiếp tục sử dụng kem chống nắng kèm một tuyp thuốc bôi chống dị ứng cho da tự mua ở hiệu thuốc. Hậu quả là sau một tuần, H. phải vào viện với kết luận nhiễm trùng da nặng do dị ứng thuốc và kem chống nắng.
BS Thành đang tư vấn cho một trường hợp bị dị ứng da do dùng kem chống nắng. Ảnh: T.An.

Mỹ An, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Giảng Võ, cho biết kem chống nắng có nhiều loại, có loại  dành cho da nhờn, da khô, da nhạy cảm; loại chống nắng đa tác dụng, vừa chống nắng, vừa làm mềm da, sáng da, và có thể sử dụng như kem nền; loại chống nắng dành cho toàn thân… Tuy nhiên hầu hết khách hàng tìm mua sản phẩm do lời giới thiệu của bạn bè, có người mua kem chống nắng toàn thân rồi dùng cho cả mặt, người mua kem chống nắng dành riêng cho da mặt nhưng khi cần thiết vẫn bôi lên tay, hoặc có người da khô nhưng lại mua kem chống nắng dành cho da nhờn.

Nên dùng thử

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, tùy loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao hay thấp mà bôi cho đủ mới có hiệu quả chống nắng. Với loại có SPF từ 15 trở lên, với một khuôn mặt thì cần bôi lượng kem khoảng 2,5 g là đủ. Nếu bôi không đủ lượng kem thì hiệu quả chống nắng sẽ kém, thời gian chống nắng sẽ ngắn. Thế nhưng không nhất thiết phải thoa quá nhiều kem chống nắng lên da bởi nếu thoa quá dày, lớp kem thừa không kịp thẩm thấu vào da sẽ là nguyên nhân gây dị ứng da.

Riêng da mặt, da cổ và mu bàn tay là những nơi dễ bị tổn thương hơn những phần da khác trên cơ thể. Vì vậy, nên dùng kem chống nắng có công thức dành riêng cho những vùng da này. Và nếu sử dụng kem chống nắng hàng ngày, nên chọn sản phẩm có độ SPF 15-20 là phù hợp nhất, trường hợp khi đi tắm biển nên chọn loại có chỉ số chống nắng từ 30 trở lên. Điều quan trọng, cần vệ sinh da sạch sẽ và lau khô trước khi thoa kem chống nắng.

Để hạn chế các tác dụng phụ, trước khi bôi kem chống nắng nên bôi thử một ít kem vào một vùng da nhỏ chừng 1 cm2 trên mặt trong 3 - 4 ngày, nếu không có dấu hiệu gì thì có thể yên tâm bôi rộng ra cả mặt. Khi bôi thử mà có dấu hiệu bất thường như da bị đỏ lên, dày bì, căng rát và cảm thấy rấm rứt, khó chịu, ngứa. Nếu nặng thì có thể bị các mụn nước dày đặc, chảy nước… cần phải ngừng sử dụng kem chống nắng, đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và điều trị theo đơn.

Cần tránh bôi vào niêm mạc mắt, miệng bởi một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng. Cũng không nên dùng kem chống nắng kết hợp với bôi các loại thuốc ngoài da khác bởi có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc gây dị ứng.

Theo baodatviet.

Bài viết liên quan