Phải chăng, cơn ám ảnh mang tên "ngoại hình" đã lan rộng trong giới trẻ Việt?
Phải chăng khi ra đường họ quên thoa kem chống nắng
Những cô gái bị cộng đồng mạng chỉ trích chỉ vì "xấu"
Hội chứng “kì thị cái xấu”?
Cứ ngỡ chỉ có cái đẹp được tung hô, được đông đảo dư luận dành nhiều ưu ái to lớn, ấy vậy mà, sự xấu xí cũng được lắm người chú ý và thổi phồng nó lên theo hướng rất tiêu cực. Cũng không quá khó để kể ra một số cái tên được cư dân mạng trêu đùa vì cho rằng “nhan sắc có hạn”: Thắm Tây, Hot girl Big C, Mẫn Nhi, Phượng thời thượng…
Điểm chung của những cô gái này là họ chỉ đăng những bức hình với mục đích "chọc cười bạn bè" trên trang cá nhân, thì chỉ sau một thời gian ngắn, hình ảnh của họ trở nên nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội kèm theo những lời dè bỉu. Không dừng lại ở đó, nhiều trang fanpage được lập ra chỉ để chế giễu, miệt thị những cô gái này.
Cô gái bị cư dân mạng đặt tên là "Thắm Tây"
Cô bạn không ngờ những bức hình vui vẻ của mình đã phát tán quá nhanh
Những trò đùa quá lố của cư dân mạng
Biệt danh "Phượng thời thượng" gần đây xuất hiện rất nhiều...
Việc post ảnh lên trang cá nhân của mình là một điều rất bình thường, nhưng vô tình những bức hình lọt vào tầm ngắm của một số “anh hùng bàn phím” không rõ dung nhan, vì thế nó được share đi khắp nơi và trở thành đề tài bình luận “mua vui” cho thiên hạ. Thậm chí, họ tự đặt cho “nạn nhân” những biệt danh không mấy tốt đẹp, lấy ảnh các cô gái ấy để minh họa cho vô số trò đùa trên mạng với nhiều lời bình phẩm quá trớn để mua vui. Đáng phẫn nộ hơn, có “nạn nhân” còn bị người đi đường giật mất túi đồ, giữ xe đạp… chỉ để quay clip đăng lên mạng kèm theo những lời lẽ mỉa mai, tục tĩu trước con mắt vô cảm của người qua đường.
Nhiều bạn trẻ thản nhiên chế giễu, mỉa mai cô gái mà các bạn ấy gọi là "Hot girl Big C"
Mẫn Nhi bị trêu chọc chỉ vì "xấu mà còn tự tin"
Những lời nói nhạo báng trên facebook
Dẫu sao nhan sắc cũng là “của trời ban”, không ai được quyền quyết định dung mạo của mình khi ra đời. Sau này, xã hội phát triển, những người không hài lòng về nhân dạng bản thân có thể mượn y học để chỉnh sửa cho vừa ý nhưng đa phần vẫn chuộng vẻ đẹp tự nhiên hơn là dao kéo. Vậy nếu dung nhan không mấy ưa nhìn thì cũng không phải là vấn đề to tát trong xã hội hiện đại. Điều đó đồng nghĩa việc giới trẻ ngày nay đã quá coi trọng ngoại hình đến mức sẵn sàng kì thị ngoại hình của người khác.
Nỗi tủi hổ của “nạn nhân”
Những cô gái kể trên, đa phần đều là những con người chân chất, mộc mạc, bình dị và hiền lành. Những gì họ đem lên mạng chỉ là sự đùa giỡn bạn bè với nhau với mong muốn đem lại tiếng cười cho người khác, chẳng có gì ác ý hay cố tình tạo scandal cho thiên hạ dèm pha. Ấy thế mà chỉ vì một phút nông nổi của cư dân mạng, mà họ đã phải trải qua những cú sốc tinh thần trong những ngày tháng không dám đối mặt với mọi người.
Trừ Happy Polla (cô gái người Thái dùng sự thô kệch và xấu xí của mình để nổi tiếng) thì các cô gái Việt bị cư dân mạng mang ra làm trò cười cảm thấy rất buồn và mệt mỏi. Ngọc Anh (người mà cộng đồng mạng gọi là “Thắm Tây”) tâm sự trong đau khổ: "Tôi biết tôi thô kệch, không ưa nhìn nhưng tôi mộc mạc, chân chất. Điều đó là sai ư? Tôi xấu nhưng không phải là các bạn lại vô tư dùng ảnh chụp của tôi để làm trò đùa mua vui. Tôi chỉ là một học sinh bình thường thôi mà, tại sao mọi người lại đối xử với tôi như vậy? Những tiếng đồn xấu, thất thiệt và sai lệch hoàn toàn đã khiến cuộc sống của tôi dường như địa ngục”.
Ngọc Anh và mẹ
Ngọc Anh cũng có những bức ảnh dễ thương
Đáng lẽ những cô gái trên càng phải được thông cảm, chia sẻ nhưng lướt qua một loạt comment thì chỉ toàn thấy những lời lẽ lỗ mãng, cười cợt đầy ác ý. Trò đùa trở nên tai hại khủng khiếp khi nó lan rộng khắp cộng đồng mạng, thậm chí trở thành một "hiện tượng share" với tốc độ lan truyền chóng mặt. Dù xấu hay đẹp thì họ vẫn là con người, cũng rất dễ nhạy cảm và bị tổn thương bởi những lời nói, câu chữ vô tình trên mạng. Vốn dĩ họ đã mặc cảm về ngoại hình bản thân, giờ gặp những lời lẽ nhạo báng đầy ác ý của hàng trăm, hàng ngàn người, họ càng trở nên hoang mang, sợ hãi. Nếu gặp người có tâm lý yếu đuối thì có khi không chịu nổi…
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết: “Sức lan tỏa khủng khiếp và những dòng like vô cảm kèm những lời bình luận khiếm nhã có thể đẩy sự chịu đựng trong bất lực của nạn nhân lên đến đỉnh điểm trong sự tủi hổ, nhân phẩm bị chà đạp. Trong khi sự việc cứ diễn ra một cách nhẫn tâm thì sự chịu đựng của nạn nhân đã vượt quá giới hạn và chọn giải pháp tiêu cực cuối cùng là tự tử để có thể chấm dứt chuỗi ngày bị khủng bố tinh thần”.
Phượng van xin những người khác đừng trêu chọc bạn ấy nữa...
Thật may là chưa có cô gái nào kể trên chọn cách tự sát để chấm dứt sự việc. Hơn thế nữa, họ còn chứng minh cho cư dân mạng thấy rằng họ rất mạnh mẽ và bản lĩnh, không dễ dàng gục ngã trước những trò châm biếm của các “anh hùng bàn phím”. Tiêu biểu là Ngọc Anh, cô đã tốt nghiệp cao đẳng và lên xe hoa vào cuối năm 2012.
Thiết nghĩ, đẹp thì đáng tự hào, đáng để có nhiều ánh mắt ngưỡng mộ, nhưng không có nghĩa là nếu bắt gặp một người không đẹp, chúng ta có thể tự cho mình cái quyền được hắt hủi, khinh miệt hay chế giễu họ. Tìm kiếm niềm vui dựa vào những khiếm khuyết, nỗi đau của người khác là những hành động đáng lên án. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính bản thân mình.Theo MCS